Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
414575

Lạ kỳ bản Mường thờ tổ mối cạnh di tích Mái Đá Điều

Đăng lúc: 15:21:32 15/08/2018 (GMT+7)

Bao đời nay, người Mường ở bản Khiêng (xã Hạ Trung, Bá Thước, Thanh Hóa) tin rằng tổ mối án ngữ ở bìa rừng, cạnh di tích khảo cổ học Mái Đá Điều chính là biểu tượng tâm linh, là sức mạnh của một cộng đồng. Ngay cả các đoàn khảo cổ nước ngoài khi khai quật di tích Mái Đá Điều cũng tránh tổ mối khiến câu chuyện về tổ mối càng linh thiêng, kỳ bí và khó lý giải…

 Lạ kỳ bản Mường thờ tổ mối cạnh di tích Mái Đá Điều
Năm 2002 Mái Đá Điều được tỉnh Thanh Hóa công nhận là Di tích lịch sử.Chuyện kỳ lạ bên tổ mối thiêng
Cách di tích khảo cổ học Mái Đá Điều của xã Hạ Trung không xa là một tổ mối khổng lồ án ngữ. Từ bao đời nay người Mường thuộc bản Khiêng cho rằng tổ mối này là nơi linh thiêng, huyền bí. Trước kia khu vục này là cách đồng chiêm trũng, đặc biệt có rất nhiều thú dữ, cây cối rậm rạp, hoang vu, không ai dám đi qua. Anh Trương Văn Chủ (51 tuổi, công an xã Hạ Trung, trú tại bản Khiêng) cho biết: “Chỗ này linh thiêng lắm nhà báo ạ, xưa kia hổ còn bắt cả người, trâu, bò vào đấy để ăn thịt, xương người và xương thú chất thành đống, thậm chí còn có cả vàng, bạc nhưng cũng không ai dám tơ hào”.
Theo anh Chủ, từ khi 10 tuổi, đi vào rừng chăn trâu anh đã thấy có tổ mối này rồi. Xưa kia đường đi ngang qua Mái Đá Điều nhỏ hẹp và rậm rạp ở hai bên, chủ yếu chỉ dành cho cọp và thú dữ chứ người bình thường chẳng ai dám vào. Đã nhiều lần trâu bò của bản đi lạc vào đó nhưng lại mất hút và không rõ nguyên nhân. Có lần anh Chủ tiến sát mái đá, nhưng khi nhìn vào trong cũng chỉ thấy có một tổ mối nằm giữa các gốc cây.  
Theo các cụ cao niên, tổ mối này chính là biểu tượng tâm linh giữa con người và vạn vật. Nó là sức mạnh của một cộng đồng giữa chốn rừng sâu, bởi từ khi lập bản tổ mối đã có rồi. Vì nó là linh khí giữa đất trời và vạn vật nên không ai dám xâm phạm. Cũng theo các cụ cao niên ở trong bản, tổ mối này được hình thành từ xác một con voi khổng lồ. Chính vì tổ mối thiêng cùng khu rừng vắng nên dân bản còn cho rằng trong Mái Đá Điều có chôn cất bộ tộc người lạ. Cùng thời gian đó, ở phía Tây Thanh Hóa, người ta còn tìm thấy rất nhiều hang chứa quan tài, có cả xương người chết cách đó hàng nghìn năm. 
Bên cạnh tổ mối là miếu thờ được người dân dựng lên.
 
Anh Chủ kể: “Năm 1986, có một đoàn khảo cổ ở Bungari họ sang khai quật Mái Đá Điều. Lúc đó họ đào được 4 bộ hài cốt, xương cánh tay dài 45 đến 50cm. Đoàn khảo cổ học cho rằng những bộ hài cốt này cách đây 4000 năm. Đoàn không ai xác định được nguồn gốc, vì bộ tộc này có chiều cao hơn người bình thường”.
Điều kỳ lạ là Đoàn khảo cổ không đào tổ mối vì đó là biểu tượng tâm linh của bản. Ngay sau khi lập miếu thờ, bỗng nhiên lại có một đàn khỉ ở đâu kéo đến. Anh Chủ nhớ lại: “Đàn khỉ này phải đến cả trăm con, thường ngày chúng chỉ ăn hoa quả ở đồi núi chứ chẳng đến đây bao giờ. Chắc là đàn khỉ này biết về tổ tiên loài người nên mới đến đông như vậy”. Ngay trong ngày hôm đó, cả làng cấm không cho ai săn bắn vì lũ khỉ rất thân thiện. Hôm ấy rất đông người nhưng chúng vẫn ăn hoa quả và nhảy nhót. 
Không riêng gì khỉ mà ngay cả ong và mối cũng lũ lượt kéo đến. Người dân tin rằng, ong và mối là vật linh thiêng nên họ chỉ đến đây chiêm ngưỡng và cầu may. Theo niềm tin của người dân trong vùng, sự đông đúc của ong và mối sẽ đem lại bình yên, no ấm cho bà con bản Mường nên không ai sua đuổi. Biết Mái Đá Điều thiêng, lại là chốn giao hòa của đất trời và vũ trụ nên hàng năm dân bản lại ra đó để cầu khấn. Họ làm lễ cúng Mường trời, cầu cho vạn vật an lành, mùa màng tốt tươi. Và nơi này còn là chốn giao lưu văn hóa giữa cộng đồng dân tộc Mường và dân tộc Thái.   
Đặc sắc lễ hội Mái Đá Điều
Với niềm tin tâm linh ấy, người dân đã lập miếu thờ tổ mối ngay cạnh Mái Đá Điều. Cứ vào ngày 15 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, dân bản mở hội, dâng hương tế thần núi. Ngoài việc tế lễ trời đất, người dân còn mời thầy mo đến cúng mừng lúa mới. Trong ngày cúng tế, lúa non được gặt về phơi khô. Khi làm lễ, thầy cúng để cả bó hoặc đồ thành xôi, do tập quán trồng lúa đã có từ xưa nên phong tục này là một nét đẹp mang tính tâm linh. 
 Miếu thờ cạnh tổ mối.
Để góp phần cho lễ hội vui nhộn, người Mường trong bản còn trình diễn các trò chơi dân gian. Một trong những trò lạ là “pồn  pông” (tiếng Mường có nghĩa là chơi hoa). Đây là loại hình dân ca theo nghi lễ thần linh, nó vừa mang tính cầu phúc vừa là dịp giao duyên vui vầy giữa các đôi nam thanh nữ tú. “Pồn  pông”  là biểu tượng của vũ trụ, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hóa đã ban tặng cho con người từ thuở hồng hoang. Theo sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường, “pồn pông” gồm các trò diễn xướng xoay quanh cây bông, mô phỏng toàn bộ những phong tục tập quán, phương thức lao động sáng tạo, phản ánh đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào Mường. “Pồn pông” gồm có 48 trò đặc sắc như chia đất, chia nước, dựng nhà, săn đuổi thú dữ, trồng tỉa lúa, chọi gà chọi trâu, làm cơm mời Mường, uống rượu cần…
Theo anh Chủ, khi nhảy múa phải có người kể lại các giai thoại từ khi mới lập đất, mục đích là báo cáo với các thần linh năm nay vụ mùa thắng lợi. Khi kể đến đâu thì các nam thanh nữ tú mô phỏng lại hoạt động đó, như cảnh dân làng đuổi hổ dữ, bắt cá, chọi gà, chọi trâu... Cây bông chỉ có các bà mế khéo tay ở trong bản mới làm được. Cây được làm bằng tre, cao chừng 3 mét, treo lên đó là những chùm hoa xanh, đỏ, tím, vàng, có cả chim, cá và các nông cụ sản xuất… Trong tiếng cồng, chiêng giục giã, các đôi nam nữ họ múa rồi lại soi gương hoặc chải đầu, thổi sáo ôi… 
Hớp một chén trà, anh Chủ tiếp: “Năm nào xã và bản Khiêng cũng làm lễ dâng hương, còn lễ hội và cắm trại thì cứ 5 năm mới tổ chức một lần. Hiện nay lễ hội diễn ra chỉ một đến hai ngày chứ trước đây kéo dài cả tháng. Trong niềm vui, cả Mường lại quây quần bên các trò chơi truyền thống như đấu vật, đánh đu, ném còn...”.
Song song với các hoạt động lễ hội, việc nghiên cứu về lịch sử loài người ở Mái Đá Điều vẫn không ngừng. Anh Chủ cho biết: “Năm ngoái có một đoàn khảo cổ bên Úc họ đến Mái Đá Điều khai quật nhưng không tìm được gì, Công an xã và lực lượng dân phòng phải làm công tác bảo vệ hơn hai ngày mới xong”. Hiện khu vực tổ mối luôn được người dân trông giữ nghiêm ngặt. Trong quy ước của bản, nếu ai mạo phạm tổ mối và miếu thờ thì sẽ bị trừng phạt. 
Trao đổi cùng Chủ tịch UBND xã Hạ Trung, ông Hoàng Văn Sứ cho biết: “Mái Đá Điều đã được Sở Văn hóa Thông tin của tỉnh Thanh Hóa công nhận là di tích lịch sử vào năm 2002. Việc bảo vệ, đầu tư tôn tạo luôn được người dân chú trọng. Vừa rồi tôi có đề xuất lên Phòng Văn hóa huyện việc xây dựng tường rào nhưng chưa được cấp vốn. Mấy năm trước chúng tôi có trồng cây nhưng trâu, bò lại phá phách. Hiện cứ 5 năm chúng tôi lại tổ chức lễ hội một lần. Vừa rồi kỷ niệm 50 năm thành lập Đảng bộ xã, chúng tôi cũng đã có tổ chức cắm trại và ca múa dân tộc”./.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, tại bản Khiêng (xã Hạ Trung, huyện Bá Thước), các nhà khoa học đã tìm thấy hàng nghìn hiện vật đá gồm công cụ kiểu văn hoá Sơn Vi, bàn nghiền, 4 công cụ bằng xương thú và nhiều nhất là mảnh tước. Ðặc biệt, tại đây các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 10 ngôi mộ cổ, trong đó có 1 mộ song táng có 2 bộ xương chớm hóa thạch còn tương đối nguyên vẹn mà chưa nơi nào ở Việt Nam phát hiện được như thế trong Văn hóa Sơn Vi. Từ đó khẳng định thuở hồng hoang, người Việt cổ đã sinh sống ở khu vực Mái Đá Ðiều  của huyện miền núi Bá Thước và ven đôi bờ sông Mã huyền thoại.
                                                                                              THACHRAUCAU st
Từ khóa bài viết: