Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
414575

Đang giao lưu trực tuyến “Giáo dục nghề nghiệp: Học nghề trước, đại học sau” Chia sẻ

Đăng lúc: 00:00:00 15/08/2018 (GMT+7)

Đúng 14h30, buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Giáo dục nghề nghiệp: Học nghề trước, đại học sau” với ba vị khách mời: ông Lê Quân Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thầy giáo Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội; Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search - Công ty cổ phần Navigos Group Việt Nam.

 Vì sao lương khởi điểm của thợ nghề không thua cử nhân? Doanh nghiệp cần người làm việc hay người có bằng cấp? Tại sao cử nhân phải giấu bằng đi làm công nhân? Kỹ năng gì cần có khi tìm việc? Chọn vào đại học hay học nghề?...

Đây là những vấn đề đang được dư luận quan tâm và sẽ được bàn luận chuyên sâu tại Giao lưu trực tuyến về giáo dục nghề nghiệp, gắn kết đào tạo và việc làm. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH, Báo điện tử Dân trí thực hiện vào hồi 14h30 ngày 15/8 (thứ 4) tại trụ sở Báo điện tử Dân trí (Hà Nội).

MỜI QUÝ ĐỘC GIẢ THEO DÕI VÀ ĐẶT CÂU HỎI TẠI ĐÂY

anh-15343178053531837149559.jpg
Tổng biên tập báo điện tử Dân trí Phạm Huy Hoàn (thứ hai từ phải qua) tặng hoa lưu niệm tới các khách mời của chương trình: ông Lê Quân (Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), thầy giáo Phạm Xuân Khánh (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội), bà Nguyễn Phương Mai (Giám đốc điều hành Navigos Search - Công ty cổ phần Navigos Group Việt Nam)
Tổng biên tập báo điện tử Dân trí Phạm Huy Hoàn (thứ hai từ phải qua) tặng hoa lưu niệm tới các khách mời của chương trình: ông Lê Quân (Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), thầy giáo Phạm Xuân Khánh (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội), bà Nguyễn Phương Mai (Giám đốc điều hành Navigos Search - Công ty cổ phần Navigos Group Việt Nam)

Mục tiêu của chương trình Giao lưu nhằm giúp bạn đọc, đặc biệt là các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa của chọn ngành học, chọn nghề có thêm các thông tin đa chiều và trung thực từ “3 nhà”, gồm: Nhà quản lý, nhà đào tạo và nhà doanh nghiệp.

Trên cơ sở, bạn trẻ sẽ có những quyết định chính xác nhất, phù hợp với năng lực bản thân, sức học để chọn đúng ngành nghề theo học.

Nguyễn Như Quý - Nam 47 tuổi

Thưa thầy Phạm Xuân Khánh, tôi được biết hiện nay nhiều cơ sở đào tạo đang triển khai việc cam kết đảm bảo việc làm cho học viên khi ra trường. Vậy ở trường của ông, công tác đảm bảo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ra sao? Ông có thể giới thiệu qua về tỉ lệ việc làm của sinh viên trong những năm gần đây?

Thầy giáo Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội:

Những năm gần đây, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm tới 96% sau 6 tháng, nhiều nghề không đủ cung cấp cho các doanh nghiệp. Các sinh viên nhà trường luôn được các doanh nghiệp đánh gia cao về tinh thần ý thức, thái độ làm việc cũng như kiến thức, kỹ năng làm việc.

Bắt đầu từ năm học 2018 này, nhà trường thực hiện chính sách "Tuyển sinh là tuyển dụng". Ký hợp đồng đào tạo giữa nhà trường, gia đình và các em bảo đảm 100% sinh viên ra trường đạt chuẩn đầu ra có việc làm và có thể tự tạo việc làm với mức thu nhập từ 5 triệu đến 15 triệu đồng/tháng.


Các khách mời đang trả lời câu hỏi bạn đọc
Các khách mời đang trả lời câu hỏi bạn đọc

Đỗ Văn - Nam 49 tuổi

Xin chào Thứ trưởng, tôi có con trai mới vào lớp 9. Tôi nghe nói, hàng năm có một lượng lớn học sinh lớp 9 không vào học cấp 3 và một lượng lớn học sinh cấp 3 hàng năm không đăng ký vào đại học, thi trượt đại học. Vậy cụ thể thực trạng này ra sao? Phải chăng luồng học sinh vào cấp 3 hiện đã quá thừa?

Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

Trên thế giới, tỷ lệ phân luồng vào học nghề của các quốc gia rất cao. Tại hầu hết các nước, tỷ lệ học sinh vào học nghề luôn đạt trên 50%. Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu đến 2020 sẽ có 30% học sinh vào học nghề. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh vào học nghề những năm qua còn chiếm thấp bởi tâm lý trọng bằng cấp và nhiều nguyên nhân khác.

Tuy nhiên, thời gian qua xã hội đã có những thay đổi, việc học đi vào thực chất hơn. Học là để có đủ năng lực làm việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp quan tâm đến lựa chọn người có năng lực phù hợp chứ không quan tâm nhiều đến bằng cấp. Kết quả tuyển sinh trung cấp trong những năm gần đây có xu hướng tăng, cụ thể năm 2016 là 290.231 học sinh, năm 2017 là 310.000 học sinh, năm 2018 ước khoảng 320.000 HS, trong đó có khoảng 85 - 90% là học sinh tốt nghiệp THCS.


Thứ trưởng Lê Quân đang trả lời bạn đọc
Thứ trưởng Lê Quân đang trả lời bạn đọc

Trong một thời gian dài, chúng ta chạy theo khoa cử, chuộng bằng cấp. Dẫn đến hệ thống giáo dục thực hiện phân luồng và định hướng người học không đúng với yêu cầu phát triển thị trường lao động. Hệ quả là chúng ta luôn coi học nghề chỉ dành cho học sinh yếu, kém và không đỗ đạt. Chất lượng đào tạo liên thông từ học nghề lên đại học và đào tạo đại học tại chức bị coi nhẹ và thả lỏng, dẫn đến xã hội coi người tốt nghiệp đại học liên thông, tại chức kém hơn người tốt nghiệp đại học chính quy. Thời gian tới, chúng ta phải phá bỏ lối tư duy này. Chọn nghề phù hợp với năng lực sở trường bản thân, với hoàn cảnh kinh tế gia đình trong từng giai đoạn chứ không phải chỉ vì không thi đỗ THPT hoặc đỗ đại học. Ngay tại Đức và Nhật Bản, rất nhiều nhà quản lý doanh nghiệp, giáo sư đại học luôn tự hào vì đi lên từ học nghề. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng người đi lên từ học nghề được đánh giá cao bởi ý thức kỷ luật, không ngại khó ngại khổ, có chí hướng, cầu thị và ham học hỏi.

Hiện nay, hệ thống giáo dục của chúng ta đã mở ra nhiều cánh cửa cho các em vào học nghề. Cụ thể:

- Hết lớp 9, các em vào học nghề theo các chương trình trung cấp, cao đẳng, kết hợp với học văn hóa. Như vậy, ở tuổi 18 các em hoàn toàn đủ năng lực để tham gia thị trường lao động có chuyên môn kỹ thuật. Các em được miễn học phí học trung cấp nghề. Các em tiết kiệm được từ hai đến ba năm so với bạn bè vào học THPT. Tại bất kỳ thời gian nào, các em hoàn toàn có thể học tiếp đại học liên thông với thời gian từ 1.5 đến 2 năm. Cơ hội thành công sẽ rất cao với các em học sinh có năng lực. Tại Nhật Bản, hệ thống 51 trường cao đẳng công nghệ thuộc hệ thống Kosen tiếp nhận những em học sinh khá giỏi hết lớp 9 vào học hệ cao đẳng thực hành 5 năm. Các em này khi ra trường cơ hội việc làm rất tốt và có thu nhập cao.

- Hết lớp 12, các em vào học trung cấp với thời gian từ 1 đến 1,5 năm hoặc học cao đẳng với thời gian từ 2 đến 3 năm. Học phí các trường nghề thấp, thời gian thực hành thường chiếm trên 50%, học đi đôi với hành. Cơ hội việc làm đúng ngành nghề thường đạt trên 80%. Rất nhiều trường cam kết việc làm với mức thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng cho người học. Thực tế hiện nay, các trường nghề không đủ sinh viên để giới thiệu cho doanh nghiệp do đầu vào (tuyển sinh) thấp hơn rất nhiều so với đầu ra (nhu cầu tuyển dụng). Các trường nghề hiện đang chiếm ưu thế trong các lĩnh vực cung ứng nhân lực du lịch, dịch vụ, kỹ thuật, công nghệ. Doanh nghiệp rất dễ tuyển người tốt nghiệp đại học, nhưng lại gặp khó trong tuyển người có kỹ năng nghề do cung không đáp ứng được cầu.

Năm 2017 là năm đầu tiên các trường nghề tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Và năm nay, các trường nghề đã lội ngược dòng thành công. Ban đầu, nhiều người cho rằng khi đại học bỏ điểm sàn xét tuyển, các trường cao đẳng, trung cấp sẽ không tuyển sinh được. Nhưng thực tế đã cho thấy xã hội đã nhìn nhận đúng khi lựa chọn trường lớp theo nhu cầu thị trường lao động. Đến thời điểm này, các trường nghề có kết quả tuyển sinh vượt trội so với những năm trước. Trong khi nhiều đại học còn đang gặp khó trong tuyển sinh và chỉ xét tuyển học bạ, thì các trường nghề khối công nghệ, kỹ thuật, du lịch, dịch vụ có kết quả tuyển sinh rất tốt. Thí sinh có điểm thi tốt nghiệp cao vào học nghề đã trở lên phổ biến.


Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search - Công ty cổ phần Navigos Group Việt Nam trả lời bạn đọc.
Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search - Công ty cổ phần Navigos Group Việt Nam trả lời bạn đọc.

Lê Cẩm Tú - Nữ 21 tuổi

Thưa cô Nguyễn Phương Mai, cháu là sinh viên cao đẳng ngành kinh tế. Cháu muốn hỏi, các ngân hàng hiện có tuyển nhân sự có trình độ cao đẳng vào làm việc không ạ? Nếu có thì ở những vị trí nào và yêu cầu về kỹ năng ra sao?

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search - Công ty cổ phần Navigos Group Việt Nam:

Chào cháu, các ngân hàng hiện nay đều tuyển sinh viên tình độ cao đẳng, các vị trí nhiều nhất có thể kể đến như: Giao dịch viên, Nhân viên phát triển kinh doanh, Nhân viên tín dụng,...

Các vị trí trên yêu cầu có kiến thức cơ bản ngành tài chính/ngân hàng, có kỹ năng giao tiếp tốt, khả năng xử lý vấn đề, các công việc liên quan tới hành chánh, …là có thể đáp ứng được yêu cầu của mỗi vị trí công việc.

Ngoài ra, tùy yêu cầu công việc, mỗi ngân hàng sẽ đào tạo thêm kỹ năng hoặc kiến thức khác, theo hình thức đào tạo trên công việc hoặc có khóa đào tạo tập trung khi gia nhập công ty.

Trịnh Khánh Linh - Nữ 45 tuổi

Thưa thầy Phạm Xuân Khánh, tôi có con trai đang đắn đo việc chọn học hệ cao đẳng và hệ đại học. Xin hỏi thầy một câu hỏi thẳng thắn, tại sao vẫn có nhiều người cho rằng con em họ chỉ khi trượt đại học mới chọn cao đẳng và trung cấp. Vậy thực tế qua công tác đào tạo của nhà trường, thầy nhận thấy năng lực của sinh viên cao đẳng ra trường với cử nhân ra sao?

Thầy giáo Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội:

Tại thời điểm này, nhiều bậc phụ huynh, các em học sinh đang băn khoăn trong việc lựa chọn đi học cao đẳng hay đi học đại học và thường chỉ chọn học cao đẳng khi không còn sự lựa chọn nào khác.

Lý do chính là do các bậc phụ huynh vẫn nặng về tâm lý bằng cấp, trình độ đào tạo, mong muốn tương lai con mình sau này sẽ thành đạt,… hoặc sợ con em mình sẽ khó khăn, vất vả… bên cạnh đó, do công tác tuyển dụng lao động hiện nay của các cơ quan Nhà nước vẫn còn ưu tiên đại học trong khi cơ chế chính sách đối với người làm nghề vẫn còn 1 số bất cập.


Thầy giáo Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội trả lời câu hỏi của bạn đọc.
Thầy giáo Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội trả lời câu hỏi của bạn đọc.

Và lý do nữa là công tác truyền thôngthông vẫn chưa được tốt, nhiều phụ huynh chưa biết được sự bất cập về cơ cấu lao động hiện nay do tỷ lệ đào tạo đại học quá nhiều dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao (tổng số sinh viên đại học trở lên thất nghiệp (quí IV 2017) = 215.000 người) hay các sinh viên đại học giấu bằng để đi làm hoặc phải đi học lại cao đẳng.

Để so sánh năng lực của sinh viên cao đẳng ra trường với cử nhân thì theo ý kiến của doanh nghiệp sẽ khách quan nhất. Doanh nghiệp thích tuyển sinh viên cao đẳng vì các em có kỹ năng tốt hơn, ra trường vào doanh nghiệp là đã có thể tham gia sản xuất làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp, mang laị hiệu quả ngay. Đặc biệt các em có tinh thần, ý thức thái độ tốt hơn trong việc chấp hành các nội quy, quy định của doanh nghiệp, không đòi hỏi quá cao, ít khi “nhảy việc”… Ngược lại các sinh viên đại học mới ra trường vì ít được học thực hành nên khi đi vào làm việc thường khó đáp ứng được yêu cầu và thường phải qua đào tạo lại, hay đòi hỏi cao về chế độ, về lương và các điều kiện làm việc, hay bỏ việc giữa chừng làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất chung của doanh nghiệp.

Qua công tác đào tạo của nhà trường, những bạn sinh viên đỗ đại học, đã và đang vào học đại học chuyển sang học nghề ở trường nhiều em rất thành công ngay khi các em còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Các em tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, sản xuất ra sản phẩm, tham gia thi các cuộc thi tay nghề… đã đạt được nhiều giải cao và sớm thành danh, được các doanh nghiệp ưu tiên tuyển thẳng với mức thu nhập cao, ổn định, cơ hội thăng tiến cao… đã có nhiều em tự khởi nghiệp thành công, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều sinh viên khoá sau!

Nguyễn Anh Tuấn - Nam 29 tuổi

Thưa chị Nguyễn Phương Mai, em rất khó xử khi vừa dự cuộc tuyển dụng lần rồi ở một công ty tại TP HCM. Nhà tuyển dụng hỏi quá sâu về lý do em nghỉ việc ở 2 công ty gần đây. Em chỉ có thể nói những lý do chung nhất và chủ yếu nhận lỗi về mình. Họ có vẻ chưa tin và nói phía công ty cũ chắc cũng có lỗi này nọ. Tuy nhiên, vì em tâm niệm không nói xấu công ty cũ nên không đả động nhiều tới điều này. Như vậy, việc em đã thực hiện như thế có đúng với tư cách ứng viên đi dự phỏng vấn không ạ?

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search - Công ty cổ phần Navigos Group Việt Nam:

Lý do là tuyển dụng muốn tìm hiểu nguyên nhân nghỉ của các ứng viên từ các công ty trước đây. Là : họ cần xác định những nguyên nhân nào sẽ khiến ứng viên cũng sẽ nghỉ công ty của họ, đồng thời có những vấn đề gì tại công ty của họ mà ứng viên mong muốn nhưng có thệ họ không đáp ứng được.

Trong hoàn cảnh này tôi nghĩ các bạn nên trung thực chia sẻ lý do nếu đó là chính đáng, bạn không cần phải nói quá kỹ hoặc chia sẻ với những thông tin mang tính “tiêu cực”. Theo tôi, việc không phù hợp văn hóa, có định hướng công việc khác, hay muốn phát triển sự nghiệp tốt hơn,…là những lý do hoàn toàn được nhà tuyển dụng dễ hiểu và chấp nhận được.

Lan Khuê - Nữ 37 tuổi

Thưa Thứ trưởng, cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển và len lỏi vào nhiều lĩnh vực của đời sống. Vậy trong định hướng phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, Bộ đã quan tâm tới việc đưa các thành quả của 4.0 vào công tác giảng dạy và qua đó giúp người học nhanh chóng tiếp cận thực tế chưa?

Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có rất nhiều cơ hội và không ít thách thức. Với giáo dục nghề nghiệp thì tôi cho rằng cơ hội nhiều hơn bởi mấy lý do:

Thứ nhất, các trường nghề sẽ có cơ hội gánh sứ mệnh rất lớn là đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực. Bên cạnh đáp ứng nhu cầu học tập của khoảng 1.2 triệu học sinh như hiện nay, hàng chục triệu người lao động cần được đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp... là cơ hội lớn cho các trường nghề.

Đề án đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà Bộ đang chủ trì nhằm giải quyết các vấn đề này. Đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, gắn với các chứng chỉ nghề nghiệp sẽ quan trọng hơn đào tạo chạy theo bằng cấp.

Thứ hai, công nghệ mới giúp đổi mới quản lý giáo dục nghề nghiệp và quản trị trường học. Kết nối vạn vật, blockchain, trí tuệ nhân tạo AI, mô phỏng, công nghệ ảo... mở ra cơ hội lớn để đổi mới. Ví dụ, ứng dụng “Chọn nghề” trên thiết bị di động mà Bộ mới ra mắt cho phép kết nối tất cả chỉ trên một thao tác thay vì những cuốn cẩm nang hàng ngàn trang.

Dự kiến 2019 Bộ sẽ đưa ứng dụng Quản lý văn bằng trên nền áp dụng block chain vào, sẽ giúp loại bỏ vai trò văn bằng giấy, tránh bằng giả, học giả bằng thật hoặc dự báo chính xác số lượng người học tốt nghiệp từng ngành nghề trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 năm. Hoặc Cơ sở dữ liệu ngành đi vào thực tế khoảng giữa 2019 sẽ cho phép toàn bộ công tác báo cáo, kiểm định chất lượng, thủ tục... trong quản lý nhà nước với các trường nghề được thực hiện trực tuyến. Ứng dụng công nghệ mới cho phép doanh nghiệp kết nối nhanh nhất với nhà trường trong cung ứng nhân lực...

Thứ ba, đổi mới chương trình và tổ chức hoạt động đào tạo. Xây dựng thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến, phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa, thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị thực tế ảo, thiết bị dạy học thuật và các phần mềm ảo mô phỏng thiết bị dạy học.... Ví dụ đơn giản như ứng dụng ảo giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí nguyên liệu thực hành trong dạy nghề hàn, nghề cơ khí... Mục tiêu đến 2020, đào tạo trực tuyến sẽ phổ biến trong giáo dục nghề nghiệp. Cùng với công nghệ, các trường nghề sẽ thực sự mở.

Rất nhiều nội dung được đào tạo cho phép các em học sinh, công nhân, người lao động có thể học để tích lũy tín chỉ ngay cả khi chưa nhập học... Các khóa học trực tuyến cũng giúp giảm được rất nhiều chi phí trong bồi dưỡng giảng viên.

Với người học, cuối năm 2017, Bộ đã ban hành danh mục các ngành nghề trọng điểm được ưu tiên đầu tư, trong đó, tập trung vào các nhóm ngành đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 như: CNTT, Công nghệ sinh học, Nông nghiệp công nghệ cao, Chăm sóc sức khỏe, Du lịch, Logistic, Tự động hóa...

Trần Hoàng Quân - Nam 18 tuổi

Thưa thầy Phạm Xuân Khánh, xin thầy cho biết các chuyên ngành đào tạo của nhà trường? trường có chi nhánh tuyển sinh ở tỉnh nào ngoài Hà Nội? Việc đăng ký học của trường theo thủ tục gì?

Thầy giáo Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội:

Năm học 2018-2019, nhà trường đào tạo 30 nghề thuộc các chuyên ngành Cơ khí, Hàn, Ô tô, Điện, Điện tử, CNTT, Kinh tế kế toán, Làm đẹp. cũng bắt đầu tự năm nay, nhà trường bắt đầu tổ chức tuyển sinh và đào tạo tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật hệ Cao đẳng. Các em quan tâm có thể truy cập vào website http://hht.edu.vn để tìm hiểu thông tin chi tiết.

Đến thời điểm hiện tại, trường chưa có chi nhánh tuyển sinh ở tỉnh nào ngoài Hà Nội. theo kế hoạch, từ năm 2018 này sẽ mở 2 chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Các thủ tục đăng ký học tại trường đơn giản và rất thuận lợi. Nhà trường tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển học bạ hoặc kết quả TN THPT (Đối với hệ Cao đẳng) và TN THCS (Đối với hệ Trung cấp)

Để đăng ký vào học Các bạn có thể lựa chọn các hình thức sau:

Cách 1: Đến trực tiếp phòng Trung tâm tuyển sinh và giải quyết việc làm của trường để được hướng dẫn chi tiết cách làm các thủ tục đăng ký và nộp hồ sơ xét tuyển (nhận hồ sơ miễn phí, đăng ký và nhận giấy mời nhập học và sau đó nộp hồ sơ nhập học)

Cách 2: Nếu bạn ở ở xa thì đăng ký trực tuyến: Vào Link sau:

http://hht.edu.vn/vi/dang-ky-tuyen-sinh.html . Sau khi xét tuyển, nhà trường sẽ gửi giấy báo trúng tuyển về cho các em đủ điệu kiện nhập học.

Nguyễn Thị Lan - Nữ 46 tuổi

Thưa chị Nguyễn Phương Mai, cháu nhà tôi mới tốt nghiệp kế toán hệ trung cấp và đang đi tìm việc. Cháu có học lực khá, tiếng Anh và vi tính cũng ở mức khá. Tuy nhiên, điểm yếu nhất của cháu là sự rụt rè, thiếu tự tin khi dự phỏng vấn. Đây là điều khiến cháu bị loại ở 2 cuộc dự tuyển trước. Vậy, xin chị có thể đưa ra lợi khuyên giúp cháu có thê tự tin hơn khi ứng tuyển, xin cảm ơn.

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search - Công ty cổ phần Navigos Group Việt Nam:

Chào chị, các bạn sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm nhiều trong việc phỏng vấn và thiếu tự tin là điều rất thường gặp và dễ hiểu.

Để giúp các em cảm thấy tự tin hơn, có một số phương mà các em có thể áp dụng từ rất sớm: tham gia các hoạt động ở trường lớp, xung phong đảm nhiệm thuyết trình trước lớp để làm quên với cảm giác phát biểu và nói chuyện trước đám đông.

Riêng đối với chuẩn bị cho vòng phỏng vấn, tuyển dụng, các bạn cần luyện tập kỹ năng trả lời phỏng vấn thật nhiều trước khi gặp nàh tuyển dụng.

Ngoài ra, có những thông tin mà nhà tuyển dụng thường xuyên hỏi, các em cần tìm hiểu và chuẩn bị sẵn cho mình những thông tin để trả lời: Giới thiệu về bản thân; Điểm yếu và điểm mạnh của bản thân; Lý do bạn nghĩ mình phù hợp với vị trí này; Định hướng phát triển nghề nghiệp của bản thân trong tương lai; Chia sẻ những thành tích tại công việc cũ hoặc tại trường; Bạn biết gì về công ty của chúng tôi.

Những thông tin chia sẻ cần mạch lạc và tốt nhất nếu như có những sự dẫn chứng cụ thể để thuyết phục nhà tuyển dụng. Mô hình phỏng vấn STAR hiện được rất nhiều nhà tuyển dụng áp dụng khi khai thác thông tin từ ứng viên là: Tình huống (Situation) – Nhiệm vụ cụ thể (Tasks) – Hành động (Action) – Kết quả (Result)

Phỏng vấn là quá trình tìm hiểu giữa nhà tuyển dụng và ứng viên, ngoài kiến thức và kỹ năng có rất nhiều yếu tố khiến nhà tuyển dụng quyết đinh sẽ nhận ứng viên đó hay không, có thể là do mức độ phù hợp văn hóa, mức dộ phù hợp công việc hoặc với đội nhóm chưa đủ.

Tôi nghĩ, phía gia đình cũng cần động viên các em không nên nản khi phỏng vấn vài lần nhưng chưa trúng tuyển vì đây là chuyện rất bình thường, không đậu phỏng vấn không có nghĩa là bản thân yếu kém.

Thu Hà - Nữ 22 tuổi

Thưa chị Nguyễn Phương Mai, em là sinh viên ngành kinh tế năm cuối. Em đang rất quan tâm tới việc tiếp cận việc làm ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vậy theo chị, ngoài chuyên môn ở trường, em cần chuẩn bị gì cho hành trang của mình khi đi tìm việc, em cảm ơn chị?

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search - Công ty cổ phần Navigos Group Việt Nam:

Theo tôi quan sát, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài có những yêu cầu thường cao hơn và có những điểm khác biệt so với công ty trong nước. Nếu bạn muốn thành công khi ứng tuyển vào công ty này cần chuẩn bị những hành trang sau: trau dồi khả năng tiếng Anh tốt bao gồm cả nghe, nói, đọc, viết. Kiến thức nền tảng về chuyên môn cũng là một yếu tố quan trọng giúp các bạn có thể thành công ở công ty nước ngoài.

Tuy nhiên những công ty đa quốc gia khi tuyển dụng thường coi trọng yếu tố liên quan tới thái độ và kỹ năng mềm. Thái độ chín chắn, nghiêm túc trong công việc, khả năng làm việc nhóm đồng thời có thể làm việc độc lập, kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề - đây chính là nhưng yếu tố quan trọng nhất là các công ty nước ngoài cân nhắc khi đưa ra quyết định tuyển dụng.

Nông Đình Toán - Nam 43 tuổi

Thưa thứ trưởng, tôi là một giáo viên dạy nghề làm việc ở một tỉnh miền núi phía bắc. Thời gian qua, tôi có nghe nói Bộ đang thực hiện việc quy hoạch lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Vậy xin ông có thể cho biết ngắn gọn về chủ trương sáp nhập, xoá bỏ các trường cao đẳng, trung cấp nghề ra sao? Trong chủ trương này, liệu có thể gây nên tình trạng một số giáo viên thất nghiệp?

Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

Hiện nay giáo dục nghề nghiệp đang có nhiều khởi sắc. Nhiều trường nghề hoạt động hiệu quả và có chất lượng. Trên bình diện chung toàn quốc, quy mô đào tạo nghề tăng cao, mức độ hài lòng của người học và của doanh nghiệp được cải thiện.

Tuy vậy, dạy nghề có cơ hội phát triển khi gắn với cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn. Do đó, nếu như các trường nghề ở các thành phố lớn, các trung tâm du lịch dịch vụ, các khu kinh tế, khu công nghiệp đang khởi sắc, thì các trường nghề tại các địa bàn kinh tế tư nhân chậm triển vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Trên tổng số 63 tỉnh thành, còn khoảng hơn chục địa phương có giáo dục nghề nghiệp vẫn còn khó khăn, tập trung chủ yếu tại miền núi phía bắc, một vài tỉnh miền trung, tây nguyên.

Về chủ trương sáp nhập, giải thể các trường cao đẳng, trung cấp, Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành TW, Nghị quyết số 08 của Chính phủ đã đưa ra các định hướng cơ bản. Việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động nhằm giảm đầu mối, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục chồng chéo, dàn trải, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển có hiệu quả sau sắp xếp.

Bên cạnh sắp xếp các cơ sở công lập, Nhà nước khuyến khích phát triển các trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài.

Với các trung tâm cấp huyện, sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên thành một trung tâm. Tại nhiều huyện nơi nhu cầu học nghề thấp hoặc gần các trường cao đẳng, trung cấp thì không cần tổ chức trung tâm dạy nghề cấp huyện. Tiến tới, các trung tâm cấp huyện trở thành vệ tinh cho các trường cao đẳng, trung cấp.

Với các trường cao đẳng, trung cấp, chúng ta mạnh dạn giải thể, sáp nhập các trường hoạt động kém hiệu quả, không tuyển sinh được. Tuy nhiên, việc sắp xếp lại là nhằm mục đích có được các trường nghề mạnh, có chất lượng, chứ không phải chạy theo thành tích cắt giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp.

Tại các vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn, số lượng trường cần được duy trì đủ lớn, đủ quy mô đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Nhà nước sẽ lựa chọn ưu tiên đầu tư một số trường trọng điểm. Những trường có khả năng tự chủ thì được tạo cơ chế đẩy nhanh tự chủ thay vì sáp nhập.

Việc gom các trường một cách hành chính mà không đi liền với tái cấu trúc, cắt giảm nhân sự thì có nguy cơ cao tạo xung đột và làm cản trở sự phát triển của các trường. Trường nghề không nhất thiết phải quy mô lớn, mà cần sự linh hoạt và năng động để cung cứng nhân lực cho doanh nghiệp.

Ngược lại, tại các địa phương khó khăn, nhu cầu nhân lực trong trung hạn trên địa bàn chưa nhiều, thì việc duy trì nhiều trường cao đẳng, trung cấp sẽ tạo áp lực cho ngân sách nhà nước, dẫn đến đầu tư dàn trải. Việc sáp nhập, giải thể các trường là cần thiết.

Quá trình sắp xếp lại sẽ dẫn đến dôi dư nhân lực, tình trạng thừa thiếu cục bộ. Trong ngắn hạn tình trạng thừa nhiều hơn thiếu. Do đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có đề án tái cấu trúc nguồn nhân lực để triển khai đồng bộ công tác tuyển dụng, chấm dứt hợp đồng lao động, đào tạo lại...

Vũ Hồng Hạnh - Nữ 40 tuổi

Chúng ta vẫn khuyến khích học nghề nhằm giúp người lao động có thêm hành trang nghề nghiệp. Tuy nhiên, có một thức tế là không ít doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là doanh nghiệp FDI chỉ muốn tuyển lao động phổ thông rồi tự đào tạo theo cách của họ. Vậy phải chăng vẫn có "khoảng trống" giữa đào tạo và thực tế?

Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) đang tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp. Song, điều đáng nói ở đây là việc thu hút lao động của các doanh nghiệp FDI còn thiên về khai thác nguồn lao động không qua đào tạo, có giá nhân công thấp.

Trong kinh tế thị trường, chúng ta khó có thể bắt doanh nghiệp phải tuyển lao động qua đào tạo nếu doanh nghiệp không có nhu cầu. Chính phủ đã đánh giá thực trạng này, và đang có giải pháp. Một mặt, bên cạnh thu hút các nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao, chúng ta vẫn cần thu hút FDI vào một số khu vực để tạo việc làm, giảm thất nghiệp.

Mặt khác, chúng ta đang xây dựng các chính sách gắn với đào tạo lại người lao động trong trung và dài hạn. Hiện đề án đào tạo lại cho công nhân trước những cơ hội và thách thức đến từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang được Bộ LĐTB&XH xây dựng.

Nhà nước cần có chính sách với hàng triệu lao động không qua đào tạo khi bước vào tuổi trung niên. Xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ mới trong đào tạo sẽ giúp chúng ta giải quyết được bài toán này.

Năm nay, chúng ta có 237 ngàn học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không đăng ký xét tuyển đại học. Trong số này có rất nhiều em sẽ đi làm công nhân hoặc đảm nhận những công việc không qua đào tạo.

Đây là sự lãng phí của xã hội. Nếu như các em rẽ sang học nghề từ sau lớp 9, trong các công việc sau này các em không dễ bị sa thải, hoặc nếu bị sa thải thì cũng dễ dàng chuyển đổi sang công việc khác. Vì vậy học tập để có nghề nghiệp ổn định là rất cần thiết.

Về phía Bộ, một mặt chúng tôi đang đẩy nhanh xây dựng danh mục ngành nghề mà doanh nghiệp phải sử dụng lao động qua đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và góp phần tăng NSLĐ; mặt nữa chúng tôi đẩy mạnh truyền thông và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp để thu hút các em vào học nghề, lên kế hoạch để đào tạo lại nguồn nhân lực.

Hoàng Vinh - Nam 42 tuổi

Thưa thầy Phạm Xuân Khánh, tôi muốn hỏi về việc gắn kết đào tạo với việc làm. Hiện nay, chuyên ngành nào của hệ cao đẳng nói chung đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm, cụ thể ra sao?

Thầy giáo Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội:

Việc gắn kết đào tạo với việc làm là sự quan tâm không chỉ các bậc phụ huynh, các em sinh viên mà là của toàn xã hội. Nhìn chung 32 ngành nghề trường đang đào tạo được các Doanh nghiệp, xã hội quan tâm. Trong đó nhiều ngành thuộc khoa Cơ khí, Điện điện tử, Chăm sóc sắc đẹp, Công nghệ Ô tô được các doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất. Sinh viên tốt nghiệp các ngành này không đủ cung cấp cho các doanh nghiệp.

Hiện tại, nhà trường có mối quan hệ chặt chẽ với trên 400 doanh nghiệp để vừa kết hợp đào tạo, sử dụng sinh viên thực tập trong quá trình sản xuất, tiếp nhận sinh viên sau khi ra trường. Chính vì vậy, sinh viên trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội khi ra trường có tỉ lệ việc làm cao và luôn được các doanh nghiệp đánh giá tốt.

Thu Hà - Nữ 22 tuổi

Thưa chị Nguyễn Phương Mai, em là sinh viên ngành kinh tế năm cuối. Em đang rất quan tâm tới việc tiếp cận việc làm ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vậy theo chị, ngoài chuyên môn ở trường, em cần chuẩn bị gì cho hành trang của mình khi đi tìm việc, em cảm ơn chị?

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search - Công ty cổ phần Navigos Group Việt Nam:

Theo tôi quan sát, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài có những yêu cầu thường cao hơn và có những điểm khác biệt so với công ty trong nước. Nếu bạn muốn thành công khi ứng tuyển vào công ty này cần chuẩn bị những hành trang sau: trau dồi khả năng tiếng Anh tốt bao gồm cả nghe, nói, đọc, viết. Kiến thức nền tảng về chuyên môn cũng là một yếu tố quan trọng giúp các bạn có thể thành công ở công ty nước ngoài.

Tuy nhiên những công ty đa quốc gia khi tuyển dụng thường coi trọng yếu tố liên quan tới thái độ và kỹ năng mềm. Thái độ chín chắn, nghiêm túc trong công việc, khả năng làm việc nhóm đồng thời có thể làm việc độc lập, kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề - đây chính là nhưng yếu tố quan trọng nhất là các công ty nước ngoài cân nhắc khi đưa ra quyết định tuyển dụng.